Vườn Trúc Chỉ nghệ thuật từ giấy Việt

Vườn Trúc Chỉ nghệ thuật từ giấy Việt

Ngày đăng: 19/06/2021 04:06 PM

    (Nguồn: 2S)

     

     

    Mỹ thuật đương đại của Việt Nam trong thập niên đầu thế kỷ 21 có một sự ghi nhận về loại tranh giấy xưa nay chưa từng có được biết tới với tên gọi Nghệ Thuật Trúc Chỉ và được giới chuyên môn thừa nhận với thuật ngữ trucchigraphy (Đồ họa Trúc Chỉ).

     

     

    Giải Ba tại Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng toàn quốc 2014

    với bộ sản phẩm "Trúc Chỉ Hoa hồng" của Ngô Đình Bảo Vi

     

     

    Trúc Chỉ là sự kết hợp, ứng biến trên 3 yếu tố:

    - Quy trình nghề giấy thủ công truyền thống đặc biệt từ các làng nghề ở Huế.

    - Nguyên lý kỹ thuật chất liệu của Nghệ thuật Đồ họa (Silkscreen, etching…)

    - Kỹ thuật dùng áp lực nước cơ bản (được sử dụng ở các nước quanh khu vực Asian). Kỹ thuật này sử dụng áp lực của nước để bóc đi từng lớp từng lớp bột giấy một, để tạo nên các độ dày mỏng tương ứng với hệ thống sắc độ cho tác phẩm khi tương tác với ánh sáng.

    Hiểu một cách nôm na là tranh Trúc Chỉ có khả năng biến đổi cách hiển thị sáng tối dưới ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo. Khi chúng ta đem bức tranh ra ánh sáng ngoài trời thì hiển thị bề mặt sẽ cho hiệu ứng ánh sáng thuận (dương bản: nét dày thì sáng nét mỏng thì tối). Đem vào nơi tối dạ đèn từ phía sau chúng ta sẽ thấy hiển thị bề mặt của bức tranh sẽ cho hiệu ứng xuyên sáng từ ánh sáng ngược (âm bản: nét mỏng thì sáng nét dày thì tối).

     

     

    Một không gian nội thất trang trí theo phong cách Trúc Chì

     

     

    Chính vì nét độc đáo này mà tranh Trúc Chỉ có khả năng tạo nên cảm xúc vô thường cho người thưởng thức khi cảm nhận nghệ thuật theo không gian và thời gian khác nhau. Lúc ở ngoài ánh nắng mặt trời rực rỡ bức tranh có sắc thái lạnh lùng, khi đứng trong bóng tối bức tranh tỏa ra sự ấm áp nhẹ nhàng từ ánh đèn mờ ảo xuyên thấu. Bạn hãy tưởng tượng bức tranh được hắt ánh đèn vàng và từ từ chuyển đổi biểu cảm trong một không gian vắng lặng của một buổi chiều đang xoã bóng hoàng hôn thì khung cảnh ấy mới ấm áp, lung linh tuyệt hảo đến nhường nào. Ở bức tranh giấy có triết lý cân bằng và sâu sắc như vậy nên chắc là bạn sẽ không ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng Trúc Chỉ đã âm thầm xuất hiện qua rất nhiều rất nhiều địa điểm đặc biệt trên đất nước mà có thể bạn từng nhìn thấy đâu đó một lần. Tinh tế, nhẹ nhàng nhưng vô cùng ấn tượng, đôi khi được chọn làm điểm nhấn ở những nơi tôn nghiêm, đôi lúc được chọn làm chủ đề cho những ngôi nhà mang tính tĩnh tâm thiền định.

    Khác với các loại hình tạo tác hiện đại như cắt khắc laser, CNC hay in 3D... Trúc Chỉ được làm thủ công kết hợp giữa hiện đại và truyền thống như ăn mòn kim loại, khắc đồng kẽm, in xuyên... bởi các nghệ nhân làng nghề. Thế nên các sản phẩm Trúc Chỉ đều là độc bản, tự nhiên từ giấy. Sự tài tình này đã cho chúng ta một ý niệm mới về giấy, nó không còn là vật phẩm làm nền để tác giả phóng bút lên nữa, mà bản thân nó đã là một tác phẩm nghệ thuật độc lập, có thể tương tác với các phương tiện kỹ thuật hay các loại hình nghệ thuật khác để làm phong phú hơn ý nghĩa tác phẩm. Nói cách khác, với Trúc Chỉ, giấy không chỉ là phần nền đơn thuần mà còn tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo, đóng vai trò như một thành tố chính cấu thành tác phẩm.

     

     

    Đèn Trúc Chỉ

     

     

    "Trúc Chỉ là một dự án nghiên cứu, chế tác nghệ thuật giấy thủ công do họa sĩ Phan Hải Bằng, Giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế cùng các cộng sự khởi lập và tiến hành từ năm 2000. Năm 2007, được sự hỗ trợ của Quỹ học bổng Châu Á học ASF (Asian Scholarship Foundation), họa sỹ Phan Hải Bằng đã tiến hành một chuyến điền dã, nghiên cứu và thực hành nghề giấy thủ công ở Bắc Ninh, Chiang Mai và các tỉnh phía Bắc Thái Lan.

    Đến năm 2011, được sự hỗ trợ và đồng thuận của trường Đại học Nghệ thuật Huế, xưởng chế tác thể nghiệm giấy thủ công với các nguyên liệu sẵn có tại địa phương được khởi dựng tại khuôn viên trường (số 10 Tô Ngọc Vân, Huế). Cùng với các cộng sự là nghệ sỹ trẻ và sinh viên trường Đại học Nghệ thuật, tác giả đã nghiên cứu và hoàn thành quy trình chế tác giấy thủ công từ rơm, mía, chuối, tre, trúc… và bắt đầu áp dụng vào việc sáng tạo nghệ thuật tạo hình cũng như nghệ thuật ứng dụng.

    Trải qua nhiều lần triển lãm, trưng bày trên toàn quốc hay ở các kỳ Festival nghề truyền thống Huế, nghệ thuật Trúc Chỉ đều được đánh giá cao, là loại hình nghệ thuật đậm nét truyền thống, gần gũi với văn hóa dân gian, giàu sự gia công, sáng tạo nhưng cũng rất tinh tế, thanh cao. Sự ra đời của nghệ thuật Trúc Chỉ là nỗ lực của họa sĩ Phan Hải Bằng cùng các cộng sự nhằm xây dựng quan niệm: Giấy cũng là nghệ thuật - Nghề giấy cũng là một nghệ thuật. Và hơn hết, đó là nỗ lực để đóng góp thêm một giá trị văn hóa mới cho Huế, cho Việt Nam.

    (Theo Ban Tổ chức Festival chuyên đề Huế 2019)"
     
     
    Vào tháng 4 năm 2012 Nhà văn, Dịch giả Bửu Ý đã định danh Trúc Chỉ với ý nghĩa là hình tượng cây tre, cây trúc một biểu tượng văn hóa tinh thần bất khuất hiên ngang của người Việt.  Mặc dù xuất hiện chưa lâu nhưng Nghệ Thuật Trúc Chỉ đã và đang từng bước khẳng định giá trị, góp phần làm phong phú hơn cho nền nghệ thuật đương đại của Việt Nam. Hi vọng trong tương lai Trúc Chỉ có thể phát triển mạnh mẽ vươn ra năm châu giúp nước nhà có thêm niềm tự hào trước bạn bè Quốc tế.
     
     
    (Biên tập bởi Yoof Pham tổng hợp từ thuathienhue.gov.vn,
    vietnamtrucchiart.com, khamphahue.com.vn)
    Zalo
    Hotline