Thước Lỗ Ban dùng thế nào để không bị nhầm lẫn ?

Thước Lỗ Ban dùng thế nào để không bị nhầm lẫn ?

Ngày đăng: 17/07/2021 04:24 PM

    (Nguồn: 2S)

     

     

    Trong xây dựng phương Tây người ta có thể không chú trọng lắm về kích thước hợp phong thủy nhưng ở phương Đông việc đo các kích thước cho nhà cửa, đồ đạc... của gia chủ thường được coi vô cùng quan trọng, đôi khi chỉ vì không hợp phong thủy mà chủ nhà người phương Đông có thể đập bỏ xây lại cả một công trình. Để tiêu chuẩn hóa kích thước phù hợp với Phong Thủy thì từ xa xưa bên nước Lỗ - một nước lớn thời Chiến Quốc của Trung Hoa, ngày nay là Sơn Đông, Trung Quốc - có một người được xem là ông tổ nghề Mộc tên Công Du Ban đã tạo ra một loại thước sau này hậu thế vẫn hay gọi là thước Lỗ Ban.

     

     

     

    Thước Lỗ Ban của Đài Loan làm bằng gỗ 

     

     

    Ở nước ta có nhiều đại lượng dùng biểu thị kích thước như thời xưa thì có thước, tấc, phân v.v... thời nay thì có mét, xen-ti-mét, kilomet v.v... hiện tại vẫn đang lưu hành một loại thước dây kéo có in trên đó đại lượng là CM, FEET đi cùng ký hiệu và chữ viết mà các kỹ sư vẫn hay dùng họ gọi nó là thước kéo Lỗ Ban, nhưng thật ra loại thước này chỉ hiển thị một phần của thước Lỗ Ban. Chúng ta vẫn hay thấy họ đo đo vậy rồi bắt chước làm theo, hễ cứ kéo đến số nào mà trên đó có màu đỏ liền bảo:"À số đẹp", thế là an lòng dùng kích thước có được mà không hề do dự. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta có thể đã đôi ba lần nhầm lẫn vì chưa hiểu đúng hết cái ý của cây thước được xem như chuẩn mực Phong Thủy này. Vậy thì hãy cùng nhau góp nhặt một số thông tin sau để có thể hiểu thêm về thước Lỗ Ban thông dụng tại nước ta.

     

     

    Thước dây kéo thông dụng có hiển thị thước Lỗ Ban

     

     

    Thước Lỗ Ban có 3 loại dùng cho 3 mục đích khác nhau: 

     

    - Loại thước Năm Hai: 1 chu kỳ sẽ có 8 cung (lần lượt là Quý nhân – Hiểm hoạ – Thiên tai – Thiên tài – Phúc lộc – Cô độc – Thiên tặc – Tể tướng) đi từ 0cm đến 52.2cm thì kết thúc. Chuyên dùng để đo Thông Thủy, tức là đo các khoảng rỗng của công trình, hiểu nôm na là đo lọt lòng khoảng không gian mà không khí sẽ lưu chuyển ví dụ như cửa đi, cửa sổ, giếng trời...

    - Loại thước Bốn Ba: 1 chu kỳ sẽ có 8 cung (lần lượt là Tài – Bệnh – Ly – Nghĩa – Quan – Kiếp – Hại – Bản) đi từ 0cm đến 42.9cm thì kết thúc. Chuyên dùng để đo Dương Trạch, tức là đo các khoảng đặc của công trình, hiểu nôm na là đo phủ bì khoảng không gian mà ta sẽ đặt một hình thù được tạo ra vào đó, hoặc ngược lại một vật thể có sẵn sẽ được đặt vào khoảng không gian đó, ví dụ như bàn ghế, giường, tủ kệ...(lưu ý là tủ thờ là loại tủ đặc biệt mang tính tâm linh nên không nằm trong mục Dương Trạch mà sẽ nằm trong mục Âm Phần)

    - Loại thước Ba Chín: 1 chu kỳ sẽ có 10 cung (lần lượt là Đinh – Hại – Vượng – Khổ – Nghĩa – Quan – Tử – Hưng – Thất – Tài) đi từ 0cm đến 38.8cm thì kết thúc. Chuyên dùng để đo Âm Phần, tức là đo các hạng mục công trình mang tính chất duy tâm, hiểu nôm na là đo các phần thuộc về cõi âm có tính tâm linh thờ cúng như tủ thờ, miếu thờ, lăng tẩm...

     

     

    Thước Lỗ Ban online

     

     

    Đã không dùng thì thôi không bàn tới nhưng đã dùng thì phải dùng sao cho sát. Như chúng ta thấy rõ ràng trên thị trường hiện nay đang lưu hành thước kéo chỉ hiển thị Dương Trạch và Âm Phần, nếu chúng ta dùng một cách mơ hồ chẳng phải là vừa hao tâm tổn sức mà lại vừa đáng trách lắm sao. Nếu thấy khó nhớ thì chúng ta tra trên các trang mạng, có thước Lỗ Ban online rất tiện dụng nên không cần phải biết đến từng li từng tý, điều chúng ta cần lưu tâm nhất đó là phải hiểu cái cơ bản nhằm đo đúng cách, đúng loại để không mắc phải sai lầm đáng tiếc về sau.

     

    Trên đây là một số kiến thức lượm lặt hi vọng giúp ích được quý vị phần nào trong việc đo đạc cho công trình của mình, quý vị cũng đừng quên sau một thời gian nữa hãy quay lại cũng ngay tại bài viết này để theo dõi vì chúng tôi sẽ cập nhật thêm những thông tin chi tiết hơn để tiếp tục chia sẻ. Chân thành cảm ơn đã xem hết bài viết !

     

    (Biên tập bởi Yoof Pham)

    Zalo
    Hotline